Nói đến thương hiệu lúa gạo ở Lâm Đồng, người ta thường nhắc đến vùng đất huyện Cát Tiên nhiều hơn cả. Còn ở Cánh đồng lúa huyện Đạ Tẻh, giờ đây, đang nổi lên một giống lúa không chỉ giúp người dân làm giàu, mà còn trở thành đặc sản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Tày, Nùng. Đó chính là giống nếp Quýt thơm ngon, có hàm lượng dinh dưỡng cao, được những người sành ăn trong và ngoài địa phương ưa chuộng.
|
Nếp Quýt là cây trồng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã An Nhơn |
“Xã nếp Quýt”
Để chứng minh cho điều này, ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh đã giới thiệu chúng tôi đến với xã An Nhơn - địa phương dẫn đầu toàn huyện về tỷ lệ trồng lúa nếp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếp Quýt xuất hiện ở Đạ Tẻh, mà cụ thể hơn là ở xã An Nhơn từ những năm 90 của thế kỷ trước. Trước đây, giống lúa nếp này được một số hộ dân ở An Nhơn trồng để phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Nhưng giờ đây, ở cánh đồng An Nhơn, nếp Quýt đã khẳng định thế đứng của mình trong tất cả các giống lúa mà người dân nơi đây đang canh tác. Nói như vậy bởi lẽ, hiện nay, trong hơn 550ha đất trồng lúa của xã An Nhơn thì đang có tới 350ha chuyên canh nếp Quýt. Có dịp dạo quanh cánh đồng An Nhơn, chúng tôi được “mục sở thị” khi nơi đây đang bao phủ một màu xanh của hàng trăm ha nếp Quýt đang “thì con gái”. Ông Lưu Văn Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã An Nhơn, cho biết: “Thật ra, cây nếp Quýt có nguồn gốc từ đâu, đến nay vẫn đang là câu hỏi mà chúng tôi và cả người dân đều chưa rõ ngọn nguồn. Tôi chỉ biết, cách đây gần 30 năm, một số hộ dân đồng bào DTTS Tày, Nùng ở thôn 4B đã đưa một giống nếp lạ vào trồng và gọi là nếp Quýt. Để rồi, cái Tết đầu tiên năm đó, ở thôn 4B đã có một số hộ đồng bào Tày, Nùng khoe có cơm nếp thơm ngon nên mọi người mới hay biết. “Tiếng lành đồn xa”, đến nay, nếp Quýt đã trở thành một trong những giống lúa được người dân trong xã lựa chọn để sản xuất và phát triển kinh tế”.
Hiện mỗi năm, cây nếp quýt được người dân An Nhơn gieo trồng trong 2 vụ là vụ mùa và vụ đông - xuân. Diện tích nếp Quýt được gieo trồng hàng năm đã đạt tới hơn 600ha. Dẫn chúng tôi đến một số hộ dân trong xã tìm hiểu về cây nếp Quýt, ông Tô Đức Viện, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn, phấn khởi: “Vụ mùa vừa qua, trong hơn 900 hộ dân của xã, có tới hơn 70% trồng nếp Quýt đều trúng lớn. Mặc dù chưa có thương hiệu như lúa gạo Cát Tiên, nhưng giá trị của nếp Quýt đã được người tiêu dùng khắp nơi biết đến. Trong nhiều năm trở lại đây, thương lái ở tận các tỉnh miền Tây, Bình Dương và TP.HCM đã tìm đến tận chân ruộng để thu mua sản phẩm của bà con. Với giá bán từ 8,5 - 9 ngàn đồng/kg nếp tươi bà con ai nấy đều vui mừng phấn khởi. Theo tính toán của người dân, trung bình mỗi năm, nếp Quýt mang lại cho họ nguồn lợi nhuận từ 65 - 70 triệu đồng/ha. Riêng vụ đông - xuân 2016, tại Cánh đồng Đại Hàm, các anh có đi đến mỏi chân cũng chẳng tìm được một giống lúa nào khác ngoài giống nếp Quýt đâu!”.
Tiến tới xây dựng thương hiệu
Người dân nơi đây cho biết trong tất cả các giống lúa mà người dân Đạ Tẻh đang trồng thì nếp Quýt là giống lúa có thời gian sinh trưởng dài nhất. Giống nếp này có đặc điểm là cây cao, thân nhỏ, bông to, hạt tròn và vỏ mỏng. Đặc biệt, đây là giống nếp có mùi vị thơm ngon, dẻo và chất dinh dưỡng cao. Cũng vì mùi thơm đặc biệt, nên trong thời kỳ trổ bông, nếp Quýt thường bị rầy nâu tấn công gây hại. Vì thế, trong quá trình sản xuất, người nông dân không lạm dụng các loại phân bón có độ đạm cao để phòng, chống các loại sâu bệnh. Đáng lưu ý hơn cả, là giống nếp này rất kỵ với thuốc diệt cỏ hiệu 2,4, 2,5 - D. Cùng với đó, đây là giống lúa có mầm yếu, nên khi gieo trồng phải tuân thủ lịch thời vụ để tránh lúa bị ngập nước và phòng, chống hiện tượng thối mầm.
Từ những giá trị kinh tế mà giống nếp Quýt đang mang lại cho người dân địa phương, năm 2014, xã An Nhơn bắt đầu triển khai Mô hình sản xuất nếp Quýt theo hướng công nghệ cao. Mô hình này được triển khai trên diện tích 26ha (nằm trong diện tích sản xuất lúa cánh đồng lớn của xã An Nhơn). Để triển khai mô hình, các khâu sản xuất then chốt đều được ứng dụng những kỹ thuật công nghệ cao, như: Sử dụng chủng nấm Trichodemar nhằm xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch để tái tạo thành phân bón phục vụ cho sản xuất; sử dụng các giống lúa được cấp xác nhận có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; sử dụng chế phẩm vi sinh (nấm xanh) để phòng trừ rầy nâu hại lúa gắn với quản lý dịch hại tổng hợp; sử dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, phun thuốc, thu hoạch để giải phóng sức lao động... Bước sang vụ mùa năm 2015, 158 hộ dân tại Cánh đồng Đại Hàm (xã An Nhơn) đã đăng ký tham gia sản xuất lúa theo hướng ứng dụng công nghệ cao với diện tích 73ha. Tổng kinh phí để triển khai là 2 tỷ 350 triệu đồng. Trong đó, UBND huyện Đạ Tẻh hỗ trợ 250 triệu đồng”.
Trong thời gian tới, theo chủ trương của huyện Đạ Tẻh sẽ tiến hành xây dựng thương hiệu nếp Quýt tại địa phương. Để làm được điều này, huyện đang tiến hành thành lập Hợp tác xã sản xuất nếp Quýt tại xã An Nhơn để làm nền tảng ban đầu. Theo đó, Hợp tác xã sản xuất nếp Quýt An Nhơn sẽ có quy mô từ 40 - 45 hộ tham gia, với diện tích sản xuất là 70 - 80ha. Cùng với đó, huyện Đạ Tẻh đang xây dựng Dự án “Nghiên cứu, bảo tồn, phục tráng và bình tuyển giống nếp Quýt” để khắc phục tình trạng giống bị thoái hóa nhằm giúp người dân chủ động lựa chọn giống để sản xuất; đồng thời, quy hoạch vùng chuyên canh nếp Quýt tại xã An Nhơn và thị trấn Đạ Tẻh, với quy mô 600 - 700ha/vụ. Như vậy, việc xây dựng thương hiệu nếp Quýt theo chủ trương của huyện Đạ Tẻh, tất yếu sẽ mở ra hướng đi mới, tạo cơ hội để người dân mở rộng diện tích sản xuất giống nếp này theo hướng hàng hóa chất lượng cao, tăng thu nhập.
KHÁNH PHÚC